Vào lúc 7h30 ngày 25/4/2020 nhằm thực hiện chương trình năm " An toàn cho phụ nữ và trẻ em" Hội LHPN phường phối hợp Đoàn Thanh Niên, Hội Luật Gia, Trường THPT Giồng Ông Tố, phường Bình Trưng Tây và Khoa luật trường Đại Học Sài Sòn tổ chức thực hiện phiên tòa giả định chuyên đề " Phòng chống xâm hại trẻ em".
Tham dự có: Đ/c Cao Thị Minh Vượng - Chủ tịch Hội LHPN phường, đ/c Trần Ngọc Khanh - Phó chủ tịch Hội LHTN phường, Thầy Nguyễn Văn Hiệp - Hiệu trưởng trường THPT GÔT, cùng 1600 thầy cô và học sinh trường cùng dự
Tổ chức phiên tòa giả định được đánh giá là phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật rất hiệu quả. Bởi các kiến thức pháp luật trở nên dễ nhớ và được các hội viên phụ nữ tiếp thu nhanh chóng. Qua đây cũng giúp hội viên hiểu hơn về các quy định pháp luật, quyền lợi của trẻ em, các kỹ năng phòng chống xâm hại, tự biết cách bảo vệ con, trẻ em dưới 16 tuổi góp phần hạn chế vi phạm pháp luật.Nét độc đáo là không chỉ dừng lại ở việc “sân khấu hóa” những vụ án, tình huống pháp lý mà sau khi kết thúc phiên tòa giả định, mọi người tham dự sẽ được tham gia giao lưu hỏi đáp liên quan đến các nội dung, tình tiết của phiên tòa giả định vừa xem và các vấn đề pháp lý khác thường gặp trong cuộc sống. Thông thường, phần giao lưu diễn ra rất sôi nổi và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của mọi người; qua đó giúp nâng cao chất lượng trong công tác tuyên truyền pháp luật.
Theo các chuyên gia pháp lý, điểm mạnh nổi bật ở mô hình “Phiên tòa giả định” đó là đã “mềm hóa” những quy định của pháp luật; đưa các tình huống pháp lý về gần hơn với tâm lý của người tham dự. Thay vì phải nhớ những điều khoản, quy định một cách máy móc, khô khan thì mọi người sẽ nhớ đến hành vi vi phạm của các “bị cáo” trong buổi xét xử để từ đó tránh những vi phạm tương tự.
Thực tế triển khai các phiên tòa giả định cho thấy, mô hình này là hoạt động sáng tạo, có nhiều ý nghĩa trong việc tuyên truyền pháp luật; được dư luận địa phương quan tâm, đánh giá cao. Bên cạnh đó, các phiên tòa giả định còn được quay, ghi hình và biên tập với nội dung tuyên truyền đa dạng; được đăng tải trên các phương tiện truyền thông như Fanpage của các nhà trường, các đoàn thể quần chúng ở địa phương. Qua đó đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong cộng động, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên và nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên địa bàn toàn huyện; góp phần cùng các ngành, các cấp làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với người dân địa phương.
Trên cơ sở những kết quả đã thu được từ mô hình “Phiên tòa giả định”, thời gian tới, sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan trên địa bàn tiếp tục thực hiện mô hình này; xây dựng kế hoạch và tổ chức nhiều phiên tòa giả định gắn với các vụ việc, tình huống pháp lý cụ thể nhằm góp phần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền pháp luật đến nhiều đối tượng.
Bám sát đặc điểm địa bàn, duy trì, nhân rộng mô hình “Phiên tòa giả định” sẽ là “chìa khóa” quan trọng để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật, góp phần vào sự ổn định và phát triển của địa phương./.
Nguồn tin: Hội liên hiệp phụ nữ phường Bình Trưng Tây